CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC
—000—
ĐIỀU LỆ
HỘI NHẬT NGỮ NAM HỌC
CHƯƠNG I
TÔN CHỈ-MỤC ĐÍCH
Điều 1: Tên gọi
Hội Nhật Ngữ Nam Học
Tên giao dịch bằng tiếng Anh: Nam Hoc Japanese Association (NHJA).
Điều 2: Tôn chỉ
Hội Nhật Ngữ Nam Học (sau đây gọi tắt là Hội ) là một tổ chức xã hội, là thành viên của Hội Hữu Nghị Việt Nam-Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, thực hiện theo Điều lệ Hội; Điều lệ của Hội Hữu Nghị Việt Nam-Nhật Bản và tuân thủ luật pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Điều 3: Trụ Sở
Hội có trụ sở văn phòng đặt tại
Trường Ðại học Sư phạm TP.HCM, Phòng Hợp tác Việt Nhật
Hội Nhật Ngữ Nam học, Phòng 803, Dãy C (lầu 8)
280 An Dương Vương, Q.5, TPHCM.
Điều 4: Mục đích hoạt động của Hội
Làm đầu mối tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các hội viên với nhau nhằm thắt chặt và phát triển tình thân ái giữa các hội viên
Làm đầu mối tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các hội viên với các tổ chức xã hội khác của Việt Nam và Nhật Bản, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.
CHƯƠNG II
NHIỆM VỤ CỦA HỘI
Điều 5: Hội Nhật Ngữ Nam Học có nhiệm vụ
1. Tuyên truyền giới thiệu với nhân dân Nhật Bản về lịch sử, đất nước, con người, nền văn hóa của Việt Nam.
2. Giới thiệu, thông tin cho nhân dân Việt Nam về lịch sử, đất nước, con người, nền văn hóa của Nhật Bản.
3. Làm đầu mối vận động và thúc đẩy các hoạt động hữu nghị và hợp tác, giao lưu với các tổ chức xã hội của Việt Nam cũng như của Nhật Bản.
4. Tổ chức trao đổi thông tin, tổ chức các cuộc gặp gỡ với các tổ chức hữu nghị, các tổ chức xã hội, kinh tế, văn hóa của Việt Nam cũng như của Nhật Bản nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.
5. Vận động các cá nhân và các tổ chức đóng góp để gây quỹ nhằm duy trì công tác đào tạo nguồn nhân lực Nhật ngữ thông qua Lớp Nhật Ngữ Nam Học.
6. Thực hiện các chương trình nhằm nâng cao kiến thức hiểu biết về Nhật Bản cũng như nâng cao trình độ Nhật ngữ của các hội viên.
CHƯƠNG III
HỘI VIÊN
Điều 6: Hội viên
Hội viên của Hội Nhật Ngữ Nam Học là các cựu học viên và học viên Lớp Nhật Ngữ Nam Học, tán thành Điều lệ Hội, và tự nguyện làm Đơn xin gia nhập Hội.
Hội viên Danh dự của Hội là các cá nhân có đóng góp tài trợ, hỗ trợ cho Lớp Nhật Ngữ Nam Học, các thầy cô của Lớp Nam Học.
Điều 7: Nhiệm vụ của Hội viên
1. Chấp hành Điều lệ và thực hiện các nghị quyết của Hội, tích cực tham gia các hoạt động của Hội.
2. Tuyên truyền rộng rãi về Hội ở Việt Nam và cả Nhật Bản để mở rộng phạm vi hoạt động của Hội.
3. Đóng góp Hội phí theo qui định.
Điều 8: Quyền hạn của Hội viên
1. Tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng và biểu quyết thông qua các quyết định, chủ trương và chương trình hoạt động của Hội.
2. Được Hội giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để tham gia hoạt động nhằm mục đích góp phần tăng cường giao lưu giữa các Hội viên, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác với các tổ chức xã hội khác phù hợp tôn chỉ và mục đích của Hội.
3. Được tham gia ứng cử, đề cử và bầu cử vào Ban chấp hành của Hội.
4. Được tham gia các hoạt động do Hội tổ chức, được Hội thăm hỏi giúp đỡ khi khó khăn.
5. Được quyền xin ra khỏi Hội.
Điều 9: Xóa tên và khai trừ Hội viên
1. Hội viên muốn ra khỏi Hội phải làm Đơn xin ra khỏi Hội.
2. Hội viên hoạt động trái với Điều lệ và Nghị quyết của Hội sẽ bị Ban chấp hành Hội ra quyết định khai trừ khỏi Hội và xóa tên trong danh sách Hội viên.
CHƯƠNG IV
TỔ CHỨC CỦA HỘI
Điều 10: Nguyên tắc tổ chức
Hội hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương, dân chủ và thống nhất hành động. Hội được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Hội.
Ban chấp hành Hội được bầu thông qua hiệp thương dân chủ.
Trường hợp đặc biệt không bầu được thì Ban chấp hành lâm thời của Hội sẽ được chỉ định nhưng không quá thời hạn một nhiệm kỳ.
Các cơ quan lãnh đạo của Hội gồm có:
– Đại hội toàn thể Hội viên
– Ban chấp hành
– Ban thường vụ
Việc bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm ủy viên Ban chấp hành cũng như mọi Nghị quyết của Đại hội toàn thể Hội viên, các Quyết định của Ban chấp hành được quyết định bằng biểu quyết tại cuộc họp. Cụ thể các quyết định chỉ có hiệu lực khi được số phiếu đại diện ít nhất 51% các thành viên dự họp chấp thuận và cuộc họp đó ít nhất phải có 2/3
số thành viên cần thiết tham dự.
Trường hợp không dự họp được thành viên có thể ủy quyền biểu quyết cho người đại
diện bằng văn bản ủy quyền.
Điều 11: Cơ quan lãnh đạo của Hội
Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại hội toàn thể Hội viên. Đại hội toàn thể Hội viên họp 2 năm 1 lần, có nhiệm vụ thảo luận chương trình công tác nhiệm kỳ của Ban chấp hành, thông qua các nghị quyết, xem xét sửa đổi Điều lệ, bầu Ban chấp hành Hội.
1. Ban chấp hành là cơ quan lãnh đạo mọi hoạt động của Hội giữa hai kỳ Đại hội.
Ban chấp hành Hội bao gồm: Chủ tịch, các Phó chủ tịch, các ủy viên thư ký, các ủy viên thường vụ, các ủy viên Ban chấp hành.
Ban chấp hành Hội quyết định các chủ trương, biện pháp thi hành những nghị quyết của Đại hội đề ra, chỉ đạo các Hội viên hoạt động. Ban chấp hành họp 6 tháng 1 lần.
2. Ban thường vụ do Ban chấp hành cử ra, bao gồm: Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Ban thư ký, và các ủy viên thường vụ. Ban thường vụ họp 3 tháng 1 lần, có trách nhiệm:
– Chỉ đạo Ban thư ký chuẩn bị nội dung các kỳ họp Ban chấp hành và tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đại hội, các nghị quyết của Ban chấp hành, giúp Chủ tịch Hội điều hành các kỳ họp của Ban chấp hành.
– Hướng dẫn các Hội viên thực hiện các nghị quyết của Hội.
– Tùy theo yêu cầu phát triển của hoạt động giao lưu hợp tác, Ban thường vụ lập các Ban chuyên môn giúp việc để hoạt động chuyên sâu và phân công các ủy viên Ban chấp hành trực tiếp phụ trách.
– Giải quyết các khiếu nại, tố cáo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của Hội viên khi bị xâm phạm, giải quyết những vấn đề khó khăn của Hội viên trong việc thực hiện Điều lệ này.
3. Ban thư ký do Ban thường vụ cử ra, có trách nhiệm:
– Giúp Ban thường vụ chuẩn bị nội dung các kỳ họp và triệu tập Hội viên, tổ chức các kỳ họp.
– Giúp Ban thường vụ và Ban chấp hành theo dõi, giúp đỡ Hội viên thực hiện các nghị quyết của Hội.
– Quản lý tài sản, cơ sở vật chất, tài liệu và tài chính của Hội.
4. Chủ tịch Hội có trách nhiệm:
– Lãnh đạo, quản lý mọi hoạt động của Hội, cùng Ban thường vụ điều hành các kỳ họp của Ban chấp hành.
– Thay mặt Ban chấp hành phối hợp với các Ban chuyên môn để thực hiện các hoạt động đối nội, đối ngoại của Hội.
5. Các Phó chủ tịch có trách nhiệm hỗ trợ, phụ giúp công việc cho Chủ tịch, được Chủ tịch phân công giải quyết từng vấn đề cụ thể và được ủy quyền điều hành công việc của Ban chấp hành khi Chủ tịch vắng mặt.
Điều 12: Ủy viên Ban chấp hành và Ủy viên Ban thường vụ Hội
Số lượng ủy viên Ban chấp hành do Đại hội toàn thể Hội viên quyết định bao gồm: Chủ tịch, các Phó chủ tịch, các ủy viên thư ký, các ủy viên thường vụ, và đại diện mỗi khóa học Nam học một người. Số người trong Ban thường vụ không được vượt quá 1/2 số ủy viên Ban chấp hành. Nhiệm kỳ của Ban chấp hành là 2 năm.
CHƯƠNG V
TÀI SẢN VÀ TÀI CHÍNH
Điều 13: Tài chính của Hội được hình thành từ các nguồn:
1. Hội phí do hội viên đóng góp. Mức hội phí do Ban chấp hành quyết định hàng năm.
2. Các khoản tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước phù hợp với qui định của pháp luật.
3. Các khoản thu hợp pháp khác.
Điều 14: Quản lý và sử dụng tài sản, tài chính của Hội
1. Tài chính của Hội do Ban thư ký chịu trách nhiệm quản lý theo nguyên tắc tập trung thống nhất và chi cho hoạt động của Hội theo quy chế của Ban chấp hành Hội qui định.
2. Việc sử dụng tài sản và tài chính, lập dự toán chi tiêu, chế độ báo cáo tài chính của Hội được thực hiện theo đúng qui định của pháp luật về quản lý tài sản và tài chính.
CHƯƠNG VI
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 15: Khen thưởng
Các Hội viên có nhiều thành tích đóng góp trong các hoạt động của Hội sẽ được khen thưởng.
Điều 16: Kỷ luật
Các Hội viên hoạt động trái với Điều lệ và Nghị quyết của Hội sẽ bị khai trừ khỏi Hội và xóa tên trong danh sách của Hội.
CHƯƠNG VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17: Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ
Chỉ có Đại hội toàn thể Hội viên của Hội mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ này.
Điều 18: Hiệu lực thi hành
Bản Điều lệ này có 7 chương 18 điều đã được Đại hội toàn thể hội viên thông qua ngày 20/08/2006 và có hiệu lực theo quyết định của Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tại Thành Phố Hồ Chí minh.